Từ nguyên Vương_tước

Tùy giai đoạn hoặc quốc gia, tước Vương có thể có nhiều ý nghĩa, nhưng nhìn chung ở Đông Á thì thông dụng nhất là:

  • Quốc vương (國王), dành cho các người cai trị Vương quốc độc lập hay chư hầu.
  • Thân vương (親王), dành cho các Hoàng tử, có đất phong cấp phủ trong phạm vi Đế quốc.
  • Quận vương (郡王), dành cho các Hoàng tử, có đất phong cấp quận trong phạm vi Đế quốc.

Tước hiệu Vương thường được dùng chuyển ngữ tương đương cho nhiều tước hiệu khác nhau trong các ngôn ngữ châu Âu. Khi chuyển ngữ tương đương cho các tước hiệu trong tiếng Anh, thuật ngữ "Quốc vương" dùng chuyển ngữ cho tước hiệu King, "Thân vương" cho Prince, và ở mức độ hiếm hơn, "Quận vương" cho Count (tương đương Bá tước). Tuy nhiên, cách chuyển ngữ này không phản ánh chính xác hoàn toàn mối tương quan giữa các tước hiệu này. Trong hầu hết ngôn ngữ châu Âu, các tước hiệu tương đương King và Prince trong tiếng Anh đều có thể chỉ đến những vị quân chủ cai trị lãnh thổ độc lập với nhau. Ngoài ra, cũng tồn tại một ngữ cảnh khác khi thuật ngữ Prince còn có thể dùng để chỉ các hậu duệ nam trực hệ (con và cháu nội) của các vị quân chủ mang tước hiệu Hoàng đế (Emperor), Quốc vương (King) hoặc Đại công tước (Grand duke) và Công tước (Duke). Điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc chuyển ngữ thuật ngữ Prince của một số tài liệu Việt ngữ, khi không phân biệt được ngữ cảnh sự khác biệt giữa tước hiệu (Thân vương) với danh vị (Hoàng tử, Vương tử, Công tử). Ví dụ như "Prince Dorgon" được chuyển ngữ từ "Hoàng tử Đa Nhĩ Cổn", nhưng nếu "Dorgon, Prince Rui" thì được chuyển ngữ từ "Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn".

Ở một mặt ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, Vương cũng có thể ám chỉ Basileus của nhà nước Hy Lạp cổ, Malik của ngữ tộc Semit, Pharaoh của Ai Cập cổ đại hay Padishah của Ba Tư với tư cách là quân chủ độc lập. Ngoài ra với tư cách là thành viên hoàng gia/vương thất thì có SheikhEmir của tiếng Ả Rập, Şehzade của Đế quốc Ottoman, Shahzadeh của Iran cùng Mirza của nhà nước Ấn Độ Hồi giáo.